Dinh Độc Lập - tọa lạc tại 135, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi lưu giữ những dấu mốc đáng tự hào trong cuộc chiến tranh khốc liệt bảo vệ nền độc lập dân tộc của Việt Nam. Với tuổi đời hơn 150 năm, Dinh Độc Lập còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như: Dinh Norodom, Dinh Thống đốc, Dinh Toàn quyền, Hội trường Thống Nhất… Nếu như Dinh Norodom là một công trình mang tính biểu tượng với quyền lực “huy hoàng và tráng lệ, xứng đáng là “một dinh thự mà những đô thị kiêu hãnh nhất thế giới đều có lý do để vinh dự” thì Dinh Độc Lập là biểu tượng cho sức mạnh, ý chí đấu tranh bền bỉ, quyết liệt và thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam. 

Từng là dinh thự nguy nga tráng lệ...

Trước khi trở thành biểu tượng của hòa bình và thống nhất, Dinh Độc Lập từng là một công trình mang phong cách kiến trúc Tân Baroque với lối trang trí nội thất xa hoa đậm chất phương Tây.

Từ những chi tiết được chạm trổ kỳ công đến những hoa văn trang nhã đều thể hiện khiếu thẩm mỹ cầu kỳ, khoa trương của chính quyền thực dân. Như Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã miêu tả: “Dinh Toàn quyền rộng lớn, nguy nga, mặt tiền thoáng đãng ngay giữa một công viên được quy hoạch không chê vào đâu được. Phòng ốc và không gian bên trong Dinh rộng rãi và tiện nghi. Phòng khánh tiết, salon, tiền sảnh, cầu thang, hành lang, phòng ở, phòng làm việc đều thông thoáng, trang nhã và có gu, phù hợp với môi trường khí hậu mà sự sống ở đó cần rất nhiều không gian và khí trời”. Công trình kiến trúc với quy mô đồ sộ và hoa lệ ấy giờ đây chỉ còn được lưu lại trong tranh ảnh cũ. 

Năm 1867, sau khi Pháp chiếm được Nam Kỳ Lục Tỉnh, với mong muốn xây dựng một trụ sở cố định cho chính quyền đô hộ. Vì vậy, vào ngày 23 tháng 2 năm 1868, Thống đốc Nam Kỳ Pierre-Paul de la Grandière đã làm lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng dinh thống đốc (Palais du Gouvernement-General/ Palais du Gouverneur) ở Sài Gòn. Trọng trách thiết kế dinh thống đốc được trao cho Georges l’Hermitte, một kiến trúc sư, nguyên là học viên Trường Mỹ thuật Paris đoạt giải thưởng thiết kế tòa thị chính Hongkong.

Sau khi hoàn thành, dinh thống đốc được đặt tên là dinh Norodom. Từ 1887 – 1945, nhiều đời toàn quyền Pháp đã sử dụng dinh thự này làm nơi ở và làm việc trong suốt thời kỳ xâm lược Ðông Dương. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, Dinh Norodom trở thành nơi làm việc của chính quyền Nhật cho đến thực dân Pháp. Ngày 07/9/1954, Dinh Norodom được bàn giao cho chính quyền Sài Gòn Thủ tướng Ngô Ðình Diệm, lúc này dinh đổi tên thành Dinh Ðộc Lập. 

Cho tới năm 1962, một trận đánh bom sử dụng hai máy bay AD6 nhắm vào Dinh đã khiến công trình bị hư hại nặng nề. Do không thể khôi phục lại nguyên trạng, cấu trúc cũ đã bị san bằng để xây một dinh thự mới theo thiết kế mà chúng ta nhìn thấy ngày nay. Lúc bấy giờ, người chủ trì cũng như tiếp quản tòa nhà này là Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo quốc gia - Nguyễn Văn Thiệu. Từ tháng 10 năm 1967 đến tháng 4 năm 1975, Dinh Độc Lập trở thành nơi ở và làm việc của ông. 

Ngày 30/4/1975, khi lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh toàn thắng, cuộc chiến đấu giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước hoàn toàn thắng lợi, Dinh Độc Lập một lần nữa trở thành “chứng nhân" ghi lại khoảnh khắc vàng son của lịch sử Việt Nam oai hùng: 

Hôm nay...vẫn toát lên vẻ đẹp của riêng mình

Trải qua hơn 150 năm với biết bao thế sự đổi dời, Dinh Độc Lập ngày nay tiếp tục sứ mệnh to lớn của mình, góp một phần sức mình vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Không những là biểu tượng cho sự hòa hợp, thống nhất đất nước, Dinh Độc Lập còn là một trong những địa điểm du lịch nhận được sự quan tâm từ đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, nơi đây cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng của thành phố và đất nước.

Sự giao thoa giữa nghệ thuật kiến trúc cổ điển và hiện đại

Tọa lạc tại trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, Dinh Độc Lập với kiến trúc độc đáo được kết tinh từ bàn tay tài hoa của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Lấy ý tưởng từ triết lý phương Đông cổ truyền và bản sắc văn hóa của dân tộc, kiến trúc dinh là sự kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống phương Ðông. Kiến trúc dinh mang tính phong thủy của phương Đông thể hiện theo các chữ: cát, khẩu, trung, tam, vương, chủ, hung. Mỗi chữ đều mang những ý nghĩa sâu sắc như tốt lành, may mắn, hưng thịnh, chủ quyền… Song song với đó, Dinh cũng phảng phất nét kiến trúc hiện đại của phương Tây. Đây cũng là nét kiến trúc xuất hiện ở nhiều công trình lớn khác ở Đông Dương trong thế kỷ XX.

Bên cạnh sự hoành tráng, hiện đại, vẻ đẹp kiến trúc của Dinh còn chứa đựng nhiều giá trị văn hoá đặc sắc với những họa tiết trang trí hình đầu rồng - một biểu tượng cho sự uy nghi, quyền lực trong văn hóa phương Đông. Bên cạnh đó, những bức tranh, phù điêu lớn tại các vị trí trung tâm của Dinh còn góp phần tôn lên vẻ đẹp tổng thể cho công trình. Cùng với đó là bức rèm hoa đá mang hình dáng những đốt trúc thanh tao bao xung quanh lầu 2. Rèm hoa đá được biến cách từ bức cửa bàn khoa của các cung điện Cố đô Huế không chỉ làm tăng vẻ đẹp của Dinh mà còn có tác dụng lấy ánh sáng mặt trời. Bên trong Dinh, tất cả các đường nét kiến trúc đều dùng đường ngang bằng, sổ thẳng; các hành lang, đại sảnh, các phòng ốc đều lấy câu “Chính đại quang minh” làm gốc.

Vị trí đắc địa, điểm nhấn tinh tế

Sau khi được xây dựng lại thì Dinh có vị trí tọa lạc trong khuôn viên rộng 12ha, với chiều cao 26m. Toàn bộ khuôn viên có diện tích là 4500m2. Diện tích sử dụng lên tới 20.000m2, có 3 tầng chính, 2 gác lửng, tầng trệt, 2 tầng hầm và một sân thượng dùng để đỗ máy bay trực thăng. Với vị trí đắc địa tại trung tâm Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Dinh Độc Lập giới hạn bởi 4 trục đường chính:

• Ðường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở phía Ðông Bắc (mặt chính của Dinh)

• Ðường Huyền Trân Công Chúa ở phía Tây Nam (mặt sau của Dinh)

• Ðường Nguyễn Thị Minh Khai ở phía Tây Bắc (phía bên trái Dinh)

• Ðường Nguyễn Du ở phía Ðông Nam (phía bên phải Dinh)

Khi đặt chân đến Dinh, điều khiến bạn bất giác dừng lại chắc hẳn là khoảng sân trước có đường kính 102m là một thảm cỏ hình oval tráng lệ. Tựa như một ốc đảo xanh mát giữa lòng thành phố hoa lệ, nơi đây tạo ra một cảm giác êm đềm, dễ chịu chào đón bất cứ du khách nào đến với Dinh. Chạy dài theo suốt chiều ngang của đại sảnh là hồ nước hình bán nguyệt. Hồ Dinh dập dờn những cánh sen yên ả, thanh tịnh tựa các ngôi đình, ngôi chùa cổ kính của Việt Nam xưa. 

Giữ gìn tinh hoa đến thế hệ sau

“Hiện tại đầy quá khứ và chất chứa tương lai”, Dinh Độc Lập đã, vẫn và sẽ mãi là những giá trị tinh hoa quý giá góp phần vào sự trường tồn và phát triển của dân tộc, đất nước Việt Nam. Cùng với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa khác, những âm vang ấy sẽ còn mãi, trở thành nguồn lực tinh thần to lớn để “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như điều mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Ngày nay, Dinh Độc Lập nổi lên như một trào lưu của giới trẻ. Trở về với kiến trúc cổ xưa, nơi mang đậm dấu ấn thời gian không đơn thuần là sở thích mà qua đây còn thấy được những giá trị lịch sử không bị lãng quên trong cuộc sống hiện đại, xô bồ. Dường như các bạn trẻ dần nhận thức được ý nghĩa thời đại, vẻ đẹp của những địa điểm lâu đời, cổ kính nói chung và Dinh Độc Lập nói riêng. Ẩn sau những tấm hình sống ảo đầy nét hoài cổ, thơ mộng thì các bạn trẻ còn chủ động nâng cao kiến thức lịch sử, văn hóa nước nhà cho bản thân. Góp phần vào việc bảo tồn, tôn vinh và giới thiệu kiến trúc, lịch sử dân tộc Việt Nam đến toàn thế giới. 

Nhóm Beautifun